Friday, July 17, 2009

Đọc “Hồi ký của những người trong cuộc” (I)

Trần Giao Thủy


Dương Danh Di
Nguồn: hoangsa.org
Bản dịch tập Hồi ký của những người trong cuộc “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” (Hồi ký) do nhà xuất bản Lịch sử Ðảng Cộng Sản Trung Quốc phát hành năm 2002 tại Bắc Kinh đã lưu hành qua mạng internet từ đầu năm 2009 – 280 trang, khổ A4, dạng PDF. Người dịch là Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy.

Dương Danh Dy, người dịch và hiệu đính tập Hồi ký, một cán bộ ngoại giao lâu năm của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, từng giữ vai trò Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu và là Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu trước khi nghỉ hưu năm 1996.

Tập Hồi ký gồm mười bài viết của sáu tác giả, với bản đại sử ký, và lời cuối sách. Ngoài La Quý Ba, Trưởng đoàn Cố vấn Chính trị sau này là Đại sứ đầu tiên của Cộng hoà Nhân Dân Trung Quốc tại Hà Nội, năm tác giả khác đều là các sĩ quan trong Đoàn Cố vấn Quân sự (ĐCVQS) do tướng Vi Quốc Khanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm dẫn đầu và hoạt động tại Việt Nam từ 11 tháng 8, 1950 đến trung tuần tháng 3, 1956.

Tập 
Hồi ký này cung cấp một số dữ kiện và quan điểm chưa được biết đến. Những thông tin đáng chú ý về hoạt động, suy nghĩ của những cán bộ cộng sản Trung Quốc trong hơn 5 năm giúp Đảng Cộng sản Việt Nam chống Pháp sẽ ít nhiều giúp những nhà quan sát, nghiên cứu, người cầm bút và bạn đọc có thêm tài liệu phân tích quan hệ giữa hai nhà nước cộng sản Việt-Trung trong lịch sử cận đại.

Sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc chiến chống Pháp ở Việt Nam là một đề tài có tầm quan trọng nhất định nhưng ít được nghiên cứu tường tận để hiểu giai đoạn này của lịch sử bang giao Việt–Trung. Vì sự khó khăn tiếp cận với tài liệu gốc từ Trung Quốc và Việt Nam, ngay đến những khảo cứu bằng Anh ngữ cũng khó đào sâu hoặc đã bỏ quên hay hạ giá chủ đề này(
1).

Cho đến nay, riêng với những nghiên cứu cùng đề tài của Việt Nam, vì lợi ích dân tộc và để hoàn thiện “lịch sử quốc gia”, vai trò của Trung Quốc thường bị gạt bỏ ra ngoài. Đây là một khuynh hướng và lựa chọn rõ rệt của Đảng Cộng sản Việt Nam(
2).

Tập “
Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” là một tài liệu mới? Không hẳn như thế. Tuy bản dịch sang tiếng Việt mới được phát tán trong thời gian gần đây nhưng bản chính bằng Hoa ngữ đã xuất bản từ năm 2002, cách đây 7 năm.

Tài liệu gốc

Từ giữa thập niên 1980 đầu thập niên 1990, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra một số nguồn tài liệu cho giới nghiên cứu tham khảo về hoạt động và sự can thiệp của Trung Quốc trong chiến tranh chống Pháp tại Việt Nam(
3). Giá trị quan trọng, thích ứng với giai đoạn 1950-1955, và đáng kể nhất trong số những tài liệu này phải kể đến

‒ Mười ba tập sách “
Bản thảo của Mao Trạch Đông từ khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc”(4) do nhà xuất bản Tài liệu Lịch sử Trung ương ấn hành từ 1987 đến 1991 tại Bắc Kinh.

‒ Kế đến là “
Ghi chép thực về việc tham dự của Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc trong cuộc viện trợ Việt Nam Chiến đấu chống Pháp”(5) của Nhóm biên tập về Lịch sử của Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam do nhà xuất bản Giải phóng Quân Nhân dân ấn hành năm 1990 tại Bắc Kinh (ĐCVQS).

‒ Sau đó là bài viết “
Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ gởi tôi sang Việt Nam”(6) của La Quý Ba trong cuốn “Để tưởng niệm Lưu Thiếu Kỳ” của He Jinxiu biên soạn, do nhà xuất bản Tài liệu Lịch sử Trung ương ấn hành từ 1988 tại Bắc Kinh.

‒ “
Hồi ký Trần Canh”(7) Quyển 2 do nhà xuất bản Giải phóng Quân Nhân dân ấn hành năm 1984 tại Bắc Kinh.

‒ Sau cùng là “
Quân sự Vụ của Quân đội Trung Quốc đương đại”(8) của nhóm biên tập Han Huanzhi and Tan Jinjiao et al. do nhà xuất bản Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc in năm 1988.

Như thế “
Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” là một ấn bản do nhà xuất bản Lịch sử Ðảng Cộng Sản Trung Quốc lựa chọn in lại, chỉ là một phần của nguyên bản đã do nhà xuất bản Giải phóng Quân Nhân dân phát hành năm 1990, 12 năm trước đó.

Tóm lại, bản dịch một phần gạn lọc từ “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” sang tiếng Việt đến với người đọc sau nguyên bản Hoa ngữ 19 năm.

Trong tình hình bang giao còn rất căng thẳng, không lâu sau cuộc Chiến tranh Biên giới Việt-Trung 1979, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa Hồi ký của Đại tướng Trần Canh ra khỏi vùng “bí mật quốc gia”; vài năm sau đó Trung Quốc lại tiếp tục giải mật thêm một số tài liệu khác liên hệ trực tiếp đến sự kiện ĐCVQS. Tất nhiên, đây là quyết định có tính toán. Mặt khác, cho rằng những tài liệu của Việt Nam ít nhiều đều là những tuyên truyền chính thức hơn là nghiên cứu hàn lâm nên các nhà nghiên cứu phương tây thường bác bỏ những tài liệu phát xuất từ phía Việt Nam(9).

Dù biết thế nhưng một số nhà nghiên cứu tây phương đã không muốn bỏ lỡ cơ hội sử dụng những nguồn thông tin mới từ sau bức màn tre về Cuộc Chiến Đông Dương lần thứ nhất. Những người viết sử nghiêm túc cố gắng giữ để không bị khối sử liệu mới ra vùng ánh sáng ảnh hưởng đến độ nhạy bén và thái độ phê bình công chính, tối cần thiết trong công việc biên khảo. Dĩ nhiên, họ cũng chờ đợi được tiếp cận với những nguồn tài liệu có giá trị hàn lâm hơn là tính tuyên truyền từ phía Việt Nam để có thể quân bằng và nâng cao giá trị những nghiên cứu và biên khảo về sự có mặt tham dự của ĐCVQS trong cuộc chiến tranh chống Pháp tại Việt Nam(
10).

Người trong cuộc

Bốn mươi năm sau Điện Biên Phủ, tướng Võ Nguyên Giáp viết,
Tôi cảm thấy cần có một cuộc họp với các đồng chí trưởng đoàn cố vấn quân sự(11) thân mến đã có mặt (tại Điện Biên Phủ). Nói chung, mối quan hệ giữa chúng tôi và các đồng chí cố vấn quân sự Trung Quốc từ sau Chiến dịch Biên giới đã là xuất sắc. Những người bạn đó đã giúp chúng tôi bằng những kinh nghiệm của họ đã có từ cuộc chíến tranh cách mạng tại Trung Quốc và chiến tranh chống Mỹ ở Triều Tiên”(12).
Từ trái: Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm,
La Quý Ba, Vi Quốc Thanh.
Nguồn: xinhuanet.com
Một điều đáng để ý, có lẽ nhiều người đọc sách của tướng Giáp cũng đã nhận thấy, trong cuốn sách viết về trận Điện Biên Phủ (Nxb Thế giới, 1994), Võ Nguyên Giáp không hề nhắc đến khối vũ khí, đạn dược, lương thực, nhiên liệu khổng lồ của Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam hay những cố vấn chiến thuật, hỗ trợ kế hoạch trong trận chiến quyết định sau cùng của cuộc chiến tranh chống Pháp. Ngay cả đến Vi Quốc Thanh, Tổng Cố vấn quân sự có mặt cùng với Võ Nguyên Giáp trong Đại bản doanh hỗn hợp ở Điện Biên Phủ cũng không được ông Tướng Tổng tư lệnh Mặt trận nhắc đến, khoan nói đến ghi nhận đóng góp tất nhiên của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc từ năm 1950(13). Khi viết lại với Đại tá Hữu Mai cuốn Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2001, tướng Giáp có đề cập, nhưng rất ít, đến ĐCVQS và Vi Quốc Thanh(14).

Người khảo cứu phương tây đã nhận định cách viết sử của (Đảng Cộng sản) Việt Nam, “
vì lợi ích dân tộc và để hoàn thiện ‘lịch sử quốc gia’, vai trò của Trung Quốc thường bị gạt bỏ.”
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứng minh điều này là đúng.

Phần 
II; phần III; Phụ đính.

Nguồn: © TruyềnThông ‒ Communications, trang 3-16, No. 32-33 Hạ-Thu 2009, Montreal, Quebec, Canada.

(
1) David G. Marr, Vietnam 1945, American Council of Learned Societies, University of California Press, 1997, trang 6.
(
2) Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, trang 1.
(
3) Chen Jian, China and the First Indo-China War, 1950-54, The China Quarterly (1993), 133:85-110 Cambridge University Press, trang 85.
(
4) Mao Zedong, Jianguo yilai Mao Zedong wengao (Mao Zedong Manuscript’s since the founding of the People’s Republic) Vol. 1-13 (Beijing Central Historical Document Press, 1987-1998)
(
5) Nhóm biên tập, Zhongguo junshi guwentuan yuanyue kangfa douzheng shishi(Trung Quốc quân sự cố vấn đoàn viện trợ Việt Nam kháng Pháp đấu tranh ký sự) – The Editorial Group for the History of Chinese Military Advisors in Vietnam (ed.), A factual Account of the Participation of Chinese Military Advisors Group in the Struggle of Assisting Vietnam and Resisting France, gọi tắt là CMAG tại Việt Nam) (Beijing: People’s Liberation Army Press, 1990).
(
6) Luo Guibo, Shaoqi tongzhi paiwo chushi yuenan (Comrade Liu Shaoqi sent me to Vietnam) in “Mianhuai Li Shaoqi” (In Commemoration of Liu Shaoqi) (Beijing Central Historical Document Press, 1988).
(
7) Chen Geng, Chen Geng riji, (Chen Geng’s Diaries), Vol. 2 (Beijing: People’s Liberation Army Press, 1984).
(
8) Han Huanzhi and Tan Jinjiao et al., Dangdai Zhongguo jundui de junshi guongzuo(The Military Affairs of the Contemporary Chinese Army) (Beijing: Chinese Academy of Social Sciences Press, 1988).
(
9) Lien-Hang T. Nguyen, Vietnamese Historians and the First Indochina War, trong cuốn The First Vietnam War: Colonial Conflict and Cold War Crisis, do Mark Atwood Lawrence và Fredrik Logevall biên tập, Havard University Press, 2007, trang 41.
(
10) Qiang Zhai, trang 9; Chen Jian, trang 86.
(
11) Vi Quốc Khanh chết năm 1989.
(
12) General Vo Nguyen Giap, Dien Bien Phu, (Hanoi, Vietnam, The Gioi Publishers, 1994), trang 23.
(
13) Bob Seals, Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge, MilitaryHistoryOnline.com, Published online: 09/23/2008
(
14) Général Vo Nguyên Giap; rédigé avec la participation de Huu Mai, Mémoires, 1946-1954; (traduit du vietnamien par Nguyên Van Su). Fontenay-sous-Bois, France: Anako Éditions, [2003-2004]. Hồi ký 1946-1954 gồm 3 tập, Chiến đấu trong vòng vây (I), Đường tới Điện Biên Phủ (II), Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử (III).

No comments: